Đánh giá game Crash Bandicoot N. Sane Trilogy
Crash Bandicoot N. Sane Trilogy là phiên bản remaster đáng chơi của bộ ba game Crash Bandicoot nổi tiếng thời PlayStation vào những năm 1990.
Crash Bandicoot là một series game kinh điển từ thời PlayStation và khá đa dạng về thể loại. Đây là tựa game nổi tiếng cùng thời với series game Banjo Kazooie dù cả hai được phát hành độc quyền trên những nền tảng cạnh tranh nhau. Thế nhưng, trong khi Banjo Kazooie đã đã có Yooka-Laylee là kẻ kế thừa thì Crash Bandicoot vẫn im hơi lặng tiếng suốt một thời gian dài. Hồi năm ngoái, series này vừa remaster ba phiên bản game đi cảnh 3D đầu tiên và phát hành độc quyền trên PlayStation 4 một thời gian. Hết hạn một năm, “cáo ăn táo” đã trở lại và lợi hại hơn xưa trên những nền tảng còn lại.
Dành cho những bạn nào không biết thì bandicoot là một loài động vật ăn tạp thuộc bộ động vật có vú Peramelamorphia. Tôi không phải chuyên gia nên không rõ trong tiếng Việt gọi nó là gì nhưng bandicoot có hình dáng như như chuột và nó không chỉ ăn thực vật mà cả động vật. Thức ăn của nó chủ yếu là côn trùng mà nó tìm thấy rải rác xung quanh trong lá hoặc ngay dưới mặt đất. Bandicoot là loài đặc hữu ở những vùng đất thuộc nước Úc và New Guinea. Nó có lông ngắn và mang một trong nhiều màu sắc khác nhau như nâu, vàng đen, cam và xám. Có một số thông tin cho rằng đây là loài chuột gộc ở Ấn Độ nhưng không phải mà là do nhầm lẫn từ gốc nước ngoài thôi và bandicoot tuyệt đối không phải là cáo như nhiều người chơi lầm tưởng từ xưa đến nay. Trường hợp này cũng tương tự như Wolverine là một từ tiếng Anh chỉ một loài chồn hung hãn có móng vuốt vô cùng sắc nhọn, nhưng cứ bị gọi nhầm thành người sói.
Trở lại với trò chơi thì những ai từng chơi các game Crash Bandicoot đầu tiên hẳn vẫn nhớ những màn chơi đầy thử thách của ba tựa game này. Ngoài việc hạn chế về phần cứng ở thời điểm ra mắt ban đầu thì cả ba đều mang đến một trải nghiệm hấp dẫn ở thời điểm đó. Bản remaster tuy không có những hạn chế như thời điểm đó, nhưng nó sẽ phải vượt qua vấn đề thời gian với đồ họa nâng cấp, và cảm giác trải nghiệm phải tạo được sự tươi mới cho những người chơi cũ, đồng thời cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn thiết kế game hiện đại của ngày nay. Nhìn tổng thế, có thể nói Crash Bandicoot N. Sane Trilogy đã làm khá tốt và đáp ứng phần nào những yêu cầu này, nhưng không phải thật sự hoàn hảo như mong đợi.
Điều đầu tiên mà tôi ấn tượng với Crash Bandicoot N. Sane Trilogy chính là yếu tố đồ họa. Phải nói là mọi thứ trong trò chơi giờ đây giống hệt câu chuyện vịt con hóa thiên nga, tất cả đều đẹp và ấn tượng. Nếu chưa từng chơi bất kỳ game Crash Bandicoot nào trước đây có thể bạn còn lầm tưởng đây là một tựa game hoàn toàn mới vừa được phát triển. Toàn bộ môi trường màn chơi đều chi tiết và nhiều màu sắc với ánh sáng ấn tượng. Công tác nâng cấp đồ họa không chỉ đơn thuần là việc là mất đi những cạnh đa giác thô kiểu như cái gì cần tròn lại không tròn trong tựa game Tomb Raider đầu tiên. Thay vào đó là những hình ảnh bờ biển cát vàng hút mắt, những khu rừng cây cỏ trù phú, các hiệu ứng lửa và nước rực rỡ hơn trước rất nhiều. Mọi thứ từ thành phố hết sức lộng lẫy đến những khung cảnh đền thờ đổ nát đều thật sự khiến tôi choáng ngợp.
Bản thân việc nâng cấp đồ họa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của người chơi ở khía cạnh gameplay, giúp người chơi dễ thở hơn với những kẻ thù khó đọc vị trước đây do hạn chế phần cứng làm ảnh hưởng đến đồ họa khó nhìn. Bản remaster gần như đã khắc phục vấn đề thiết kế màn chơi thiếu sót trước đây dễ gây cảm giác bất công, tuy nhiên không phải cả ba tựa game này đều mang đến cảm giác trải nghiệm. Một điều cũng thú vị không kém chính là phần nhạc trong Crash Bandicoot N. Sane Trilogy cũng được nâng cấp tương xứng, với những âm thanh sôi động của tiếng trống và tiếng nhạc réo rắc mang âm hưởng khiến tôi gợi nhớ đến phim hoạt hình The Lion King trước đây. Ngay cả phần âm thanh cũng vậy, chẳng hạn như tiếng bước chân của Crash thay đổi tùy thuộc vào môi trường mà nhân vật di chuyển. Hay những âm thanh tiếng động môi trường đều khá chân thật và mang lại sự sống động cho màn chơi.
So với các phiên bản gốc thì cả ba game remaster trong Crash Bandicoot N. Sane Trilogy đều có bổ sung thêm checkpoint, giúp người chơi dễ thở hơn trước đây, còn các cơ chế gameplay chính và màn chơi vẫn giữ nguyên. Thế nhưng, không phải tất cả các màn chơi đều mang đến cảm giác trải nghiệm như nhau, trong đó đặc biệt là tựa game đầu tiên lại mang đến cảm giác khó cao hơn khá nhiều, dù cơ chế gameplay ít nhất. Nói ra thì khá buồn cười, nhưng nếu bạn muốn có một trải nghiệm với độ khó tăng dần thì tốt nhất là nên chơi theo thứ tự ngược lại, tức là phần ba trước rồi đến phần hai và cuối cùng hãy đụng tới phần một.
Nếu nhìn tổng thể thì phần chơi đầu tiên Crash Bandicoot có lẽ là điểm yếu nhất của trò chơi. Nhân vật Crash trong phần chơi này không những có rất ít kỹ năng riêng, nhưng sự hạn chế này lại dẫn đến những màn chơi kém hấp dẫn và phức tạp so với hai phần chơi còn lại. Chưa kể, khuyết điểm chết người của phần chơi này là cảm giác trải nghiệm mang nặng tính lặp lại. Dù vậy, Crash Bandicoot N. Sane Trilogy vẫn được bổ sung một số tính năng mới như yếu tố đếm thùng mà bạn đập được khá hài hước cuối mỗi màn chơi, và chế độ chơi Time Trials để thỏa mãn những người chơi kỳ cựu yêu thích thử thách. Nhưng dù nói thế nào đi nữa, thì tựa game này vẫn không thể có chất lượng tương đương với hai phần chơi còn lại của bộ ba game remaster trong Crash Bandicoot N. Sane Trilogy.
Về cơ bản, Crash Bandicoot N. Sane Trilogy được thiết kế có lẽ để hướng đến những ai đã từng chơi các phần game gốc ban đầu, do đó trò chơi không hề có hướng dẫn nào dành cho người chơi mới. Nhiều kỹ năng của nhân vật cũng không được giải thích, chẳng hạn như trượt sẽ giúp bạn nhảy xa và cao hơn một chút, và điều đó có thể gây nhiều khó khăn cho những ai không hề biết gì về các phần chơi gốc của những năm 90. Tuy nhiên, trò chơi có phần mẹo chơi game trong những cảnh loading là một điểm cộng. Phần chơi Cortex Strikes Back theo cảm nhận của cá nhân tôi là mang đến trải nghiệm cân bằng nhất giữa yếu tố bonus và độ khó trong yếu tố đi cảnh cốt lõi của trò chơi. Màn chơi của phần chơi này được thiết kế hợp lý, không tạo cảm giác nhà phát triển sử dụng chiêu trò không hay để làm khó người chơi như phần đầu.
Một điều cũng không thể không đề cập là Crash Bandicoot: N. Sane Trilogy được phát hành trên nhiều nền tảng nhưng chất lượng không đồng đều. Trong đó kém nhất là phiên bản Switch với độ phân giải tối đa chỉ 720 và lược bỏ nhiều hiệu ứng, chẳng hạn chuyển động bộ lông của Crash. Ngay cả khi bạn chơi trên Switch với tivi thì trò chơi cũng chỉ thực hiện công việc upscale lên độ phân giải 1080p và mang đến hình ảnh ít sắc nét hơn so với chế độ handheld của Switch. Chỉ có phiên bản Windows là mang đến chất lượng độ họa tốt nhất, cho phép độ phân giải cực cao và hỗ trợ tốc độ khung hình đến 60fps, trong khi các phiên bản dành cho console như PlayStation 4, Xbox One hay Switch đều chỉ dừng lại ở 30fps mà thôi. Nếu có điều kiện và muốn trải nghiệm trò chơi tốt nhất thì bạn nên chọn bản Windows thay vì những phiên bản dành cho các nền tảng console.
Sau cuối, Crash Bandicoot: N. Sane Trilogy thật sự là một tựa game đáng chơi với những ai yêu thích thể loại đi cảnh 3D nói chung và fan của Crash nói riêng. Nhà phát triển đã làm rất tốt những gì mà người chơi mong đợi ở một tựa game remaster và mang đến một trải nghiệm mới mẻ với đồ họa tươi mới và một số nâng cấp đáng chú ý khác dành cho những người chơi kỳ cựu. Thú vị nhất là người chơi lần đầu tiên được điều khiển nhân vật Coco, cô em rất đáng yêu với mọi cơ chế gameplay giống hệt ông anh Crash, nhưng với các chuyển động hài hước hơn nhiều. Đáng tiếc là người chơi mới hoặc lần đầu trải nghiệm có thể gặp chút khó khăn khi trải nghiệm, nhưng với cơ chế gameplay đơn giản của bộ ba game Crash Bandicoot thì đây không thật sự là vấn đề gì to tát lắm.
Không có nhận xét nào